Một số đặc điểm Bệnh_đầu_đen

Bệnh lây lan chủ yếu qua đường miệng, gà ăn uống phải trứng giun kim (Heterakis Gallinae) có chứa Histomonas, Histomonas sẽ ký sinh tại gan và manh tràng rồi gây bệnh. Sau khi gà bị nhiễm, trong quá trình phát triển lại thải mầm bệnh qua phân hoặc qua trứng giun kim ra ngoài môi trường tạo thành vòng lây nhiễm[6].

Ở ngoài môi trường, trứng giun kim được giun đất ăn và được bảo tồn rất lâu trong giun đất. Khi gà ăn giun đất lại bị tái nhiễm. Đây là nguyên do mà bệnh lưu cữu trong thời gian rất dài tại cơ sở chăn nuôi, đồng thời cũng lý giải tại sao bệnh hay sảy ra đối với gà chăn thả.[6]

Tất cả các giống gà đều có thể mắc bệnh, trong đó gà tây mẫn cảm nhất với tỷ lệ chết có thể lên đến 100% khi mắc bệnh. Gà từ dưới 5 tháng tuổi dễ mắc bệnh nhất, nhưng gà lớn hơn vẫn có thể bị bệnh.[6]

Khi mắc bệnh, gà sốt rất cao 43 - 44 độ C, nhưng cảm giác rét nên đứng im, rụt cổ, mắt nhắm nghiền, xù lông và run rẩy, giấu đầu vào nách cánh, tìm chỗ ấm để sưởi. Bên cạnh đó, gà uống nhiều nước, tiêu chảy phân loãng vàng trắng hoặc vàng xanh. Khi sắp chết thì bỏ ăn, mào thâm tím, da mép và da vùng đầu xanh xám thậm chí xanh đen. Bệnh kéo dài 10 - 20 ngày nên gà rất gầy. Gà bệnh thường chết rải rác, chết về ban đêm. Tỷ lệ chết 85 - 95%.

Gan sưng to gấp 2 - 3 lần, bị viêm xuất huyết hoại tử, lúc đầu trên bề mặt gan có các đốm đỏ thẫm làm cho gan lổ đổ như đá hoa cương, sau đó biến thành ổ hoại tử màu trắng hình hoa cúc như ổ lao hoặc như khối u của bệnh Marek.[2]

Ruột thừa (còn gọi manh tràng) bị viêm sưng, thành ruột dày lên gấp nhiều lần, bên trong chất chứa có lẫn máu nhớt hoặc tạo thành kén rắn chắc màu trắng. Nhiều trường hợp thấy ruột thừa phình rất to dính chặt vào cơ quan nội tạng khác, đôi khi bị viêm loét thủng rò rỉ chất chứa gây nên viêm phúc mạc nặng khiến gà chết nhanh[2]

Liên quan